Đình Điều Hòa

Đình Điều Hòa lúc mới thành lập còn có tên gọi là Giang trạm Điều Hòa thôn, từ ngày đầu thành lập đình Điều Hòa được dùng làm trạm dừng chân của các quan lại dưới triều Nguyễn đi công tác ở địa phương muốn nghỉ lại qua đêm. Ngoài ra, đình Điều Hòa còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn cảnh của nhân dân trong vùng. Theo các tài liệu cũ,  tên Điều Hòa có vào khoảng thế kỷ XVIII, lúc bấy giờ có sự sát nhập của 3 lân (mỗi lân tương đương với một ấp ngày nay) bao gồm: Hòa Mỹ, Hòa Hảo, Hòa Thới, thuộc huyện Kiến Hưng, dinh Trấn Định (sau này là trấn Định Tường, tỉnh Định Tường). Sau khi lập làng, nhân dân tiến hành lập đình để thờ thần Thành Hoàng và những người có công khai hoang lập làng, lập ấp.

Cổng tam quan Đình Điều Hòa Lễ đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia

Hiện nay, đình tọa lạc tại đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đình thờ ba vị thần Thành Hoàng và một vị phúc thần. Bên cạnh  thờ các vị thần linh do nhân  dân tín  ngưỡng, đình còn thờ những người có công lập ra làng Điều Hòa như Tiền Hiền Cẩm Địa Nguyễn Văn Kiên, Tiền Hiền khai khẩn Nguyễn Văn Trước và Trương Văn Ân, ngoài nhiệm vụ Giang Trạm còn được cử làm Cai đình tổ chức các lễ Kỳ yên của đình.

 

Năm 1792, cùng với việc tái lập làng Điều Hòa, đình Điều Hòa được thành lập. Năm 1826, đình được tu bổ thêm các mảng chạm khắc và các hoành phi, câu đối thờ tự cũng như trang trí bên trong đình.       Đình được xây dựng theo lối chữ “Tam” (≡), gồm có Võ ca, Võ quy và Chánh điện; được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu truyền thống như gạch, ngói, gỗ, đá và chất kết dính là hồ ô dước. Về sau, trong quá trình trùng tu, tôn tạo nhân dân đã sử dụng các vật liệu xây dựng hiện đại vào như ciment, gạch men. Các hệ thống xây dựng bằng gỗ được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng, chốt chắc chắn và tinh vi.

Đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Tiền Giang. Hiện trong đình còn lưu giữ, bảo quản các sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ XVIII – XIX. Đặc biệt là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay. Vào trong chánh điện, gian giữa với các mảng chạm khắc bên trên là “Long Phụng tranh châu”. Phía dưới là Bát tiên cởi thú; phía trên bao lam là những khuôn chạm Tứ quý, Tứ linh, Mai Điểu, Tùng Lộc, Liên áp (vịt – sen) và trên cùng là tấm hoành được sơn son thếp vàng và chạm Tứ linh. Trên 2 cột gian giữa là đôi liễn chạm trổ  hai lớp khá công phu lớp dưới chạm rồng sơn son thếp vàng, lớp trên là câu đối. Bên cạnh việc trang trí ở các bao lam, khánh thờ, bàn thờ, chánh điện đình Điều Hòa còn trang trí giữa 2 mái giao nhau bằng các bức tranh sơn thủy, Tứ quý và những con vật, hoa trái gần gũi đời thường.

 

Lúc mới xây dựng, đình tọa lạc gần bờ sông. Năm 1904, đình chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Giáp Thìn nên bị sạt lở và xuống cấp nhanh chóng. Trước tình trạng đó, các Hương chức cùng với nhân dân làng Điều Hòa thống nhất dời đình đến gần miếu thờ Thần Nông nằm trên ruộng tịch điền cao ráo, thoáng đãng. Đầu  năm 1913, đình được di dời về chỗ mới và giữ nguyên cho đến ngày nay. Năm 1967, đình xuống cấp trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Dơn một thầu khoán ở địa phương, là người trong Ban phụng sự đình đã đứng ra thiết kế tu bổ lại phần võ quy, nhà tổ và nhà khói của đình; đồng thời xây cổng Tam quan bằng bê tông hướng về đường Trịnh Hoài Đức. Trải qua hơn 200 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, đình Điều Hòa vẫn còn giữ đuợc dáng vẻ ban đầu và trông rất khang trang như ngày nay.

Bên trong Đình Điều Hòa

Hàng năm cứ đến lệ kỳ, nhân dân trong vùng lại tề tựu về đình để tổ chức cúng Kỳ yên (vào các ngày 16-17-18 tháng 02 âm lịch và 16-17-18 tháng 10 âm lịch) đúng theo nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo người dân tham dự. Nhân dân đã đến cầu an cho sự yên bình của làng xóm và tổ chức các hội thi làm bánh, đồ xôi, chưng nghi (bằng những loại trái cây của địa phương). Hội đình kéo dài 3 ngày 3 đêm, mỗi đêm đều có rước đoàn hát về hát bội các tuồng có nội dung phản ánh các điển tích xưa, thu hút hàng ngàn nhân dân đến xem hát để giải trí.

 

Năm 2009 đình Điều Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

 

Nguồn: Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang